Tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo ở Việt Nam trong thời gian tới

|
Views:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của thời đại 4.0, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tạo đà để giáo dục Việt Nam bứt phá trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện hơn.

Ảnh minh hoạ.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Căn cứ các quan điểm, mục tiêu, chủ trương và chính sách tại Nghị quyết này, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-CP, ngày 17/4/2020 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-CP. Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó giáo dục và đào tạo là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện. Ngày 25/01/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 131/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Thực hiện Quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo cơ sở giáo dục thực hiện nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đã ghi nhận hiệu quả tích cực:

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý thông tin chi tiết của tất cả trường học từ mầm non đến phổ thông bao gồm các cấu phần cơ sở dữ liệu thành phần và tổng hợp thông tin dữ liệu từ 63 sở giáo dục và đào tạo, 710 phòng giáo dục và đào tạo. Qua đó đã số hóa, gắn mã định danh của gần 24 triệu hồ sơ học sinh, hơn 1,5 triệu hồ sơ giáo viên, nhân viên và cán bộ quản lý từ 53 nghìn trường học và thông tin về cơ sở vật chất, nhà vệ sinh trường học.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kết nối thành công Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Qua đó, đồng bộ, xác thực mã căn cước công dân và chia sẻ dữ liệu của hơn 1,5 triệu giáo viên (đạt 95%) và gần 21 triệu hồ sơ học sinh (đạt 92%).

Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ Kỳ thi tốt nghiệp THPT và công tác tuyển sinh đại học được triển khai đồng bộ, triệt để. Từ đăng ký dự thi, nguyện vọng xét tuyển đến nộp phí xét tuyển và xác nhận nhập học đều được thực hiện theo hình thức trực tuyến đối với tất cả thí sinh.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học được tăng cường triển khai với toàn ngành. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành hướng dẫn về xây dựng học liệu số và khoá học trực tuyến. Kho học liệu số toàn ngành được xây dựng và đóng góp vào Hệ tri thức Việt số hóa hơn 7.000 bài giảng điện tử E-learning có chất lượng và hơn 2.000 bài giảng trên truyền hình. Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch cung cấp miễn phí phần mềm quản trị cơ sở giáo dục. Phần mềm đáp ứng yêu cầu quản trị cơ bản nhà trường, đáp ứng chuẩn dữ liệu của Bộ và kết nối 100% dữ liệu với cơ sở dữ liệu của ngành Giáo dục.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục - đào tạo ở Việt Nam thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khuôn khổ pháp lý trong hoạt động giáo dục thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo thuận lợi và thúc đẩy các mô hình trong quản lý, điều hành trong lĩnh vực giáo dục theo hướng bứt phá, đổi mới, sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác đảm bảo an ninh mạng và bảo vệ quyền lợi người học, nhằm hạn chế những rủi ro, thách thức do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thứ hai, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị, chương trình, giáo trình, tài liệu, học liệu và mạng phục vụ đào tạo công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông và ứng dụng công nghệ thông tin ở tất cả các cơ sở giáo dục. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất cho một số cơ sở đào tạo trọng điểm về công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông đạt trình độ tiên tiến trong khu vực và quốc tế. Xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ theo hướng đồng bộ, tập trung, thống nhất, kết nối mạng internet, thiết bị công nghệ thông tin đảm bảo phục vụ tốt cho dạy - học, tạo cơ hội học tập bình đẳng cho sinh viên các trường, giữa các vùng miền có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau, ưu tiên hình thức thuê dịch vụ và tăng cường xã hội hóa, hợp tác với các doanh nghiệp lớn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục.

Thứ ba, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về công nghệ thông tin, đảm bảo tất cả cán bộ quản lý, giáo viên ngành giáo dục được trang bị những kỹ năng, phát triển năng lực tin học, ngoại ngữ, có khả năng sử dụng các phần mềm ứng dụng trong các hoạt động nghiệp vụ theo tiêu chuẩn của từng chức danh thích ứng với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tăng cường giảng dạy, nâng cao kỹ năng sử dụng máy tính và ứng dụng công nghệ thông tin cho học sinh, sinh viên ở tất cả các bậc học, ngành học.

Thứ tư, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến rộng rãi và quán triệt đầy đủ các quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục của Chính phủ và của ngành giáo dục. Từ đó, nâng cao nhận thức, hiểu biết cho cán bộ, công chức, viên chức, người học, phụ huynh về vai trò, vị trí, sự cần thiết của công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục; cách thức ứng dụng kỹ thuật số và những lưu ý để phòng, tránh rủi ro khi thực hiện các hoạt động giáo dục trên môi trường điện tử.

Thứ năm, thực hiện số hóa triệt để, thay thế văn bản, tài liệu giấy bằng sử dụng văn bản điện tử; hoạt động chỉ đạo, điều hành, giao dịch, họp, tập huấn, hội thảo được thực hiện chủ yếu trên môi trường mạng. Tăng cường kết hợp công nghệ với cơ sở dữ liệu số chuyên ngành để xây dựng các hệ thống thu thập thông tin, đưa ra các dự báo, dự đoán và tạo ra các ứng dụng, dịch vụ phù hợp với đối tượng dạy, học.

Thứ sáu, hình thành cổng thông tin thư viện điện tử toàn ngành liên thông, chia sẻ học liệu với các cơ sở đào tạo; xây dựng cổng thông tin giáo dục chứa nội dung số, các kho tài nguyên giáo dục trên mạng Internet. Xây dựng, tuyển chọn và mua thư viện số về giáo trình, sách, tài liệu, học liệu, bài giảng phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học; phát triển một số mô hình đào tạo trực tuyến, các cơ sở giáo dục cùng hợp tác, tạo thành mạng lưới chia sẻ nội dung đào tạo, bài giảng qua mạng, tạo nên nguồn tư liệu phong phú, thúc đẩy phát triển học liệu số phục vụ dạy, học, kiểm tra, đánh giá, tham khảo, nghiên cứu khoa học; hình thành mạng lưới chia sẻ nội dung đào tạo, bài giảng, hình thành kho học liệu số, học liệu mở, liên kết với quốc tế, đáp ứng nhu cầu tự học, tự nghiên cứu, học tập suốt đời của người học; tiếp tục đổi mới phương pháp, hình thức dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích và hỗ trợ áp dụng các mô hình giáo dục đào tạo mới, tiên tiến dựa trên các nền tảng số.

Thứ bảy, có cơ chế, chính sách để đánh giá, xếp hạng và khen thưởng, động viên, khuyến khích đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và đánh giá xếp hạng website của các cơ sở giáo dục.

NN (TH)

Total visited in day: 1,610
Total visited in Week: 2,052
Total visited in month: 20,198
Total visited in year: 84,108
Total visited: 110,778