Bắc Giang xây dựng và bảo vệ hậu phương góp phần trong chiến thắng Điện Biên Phủ

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
Đọc bài viết
Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng đánh chiếm Sài Gòn, mở đầu cuộc xâm lược lần thứ hai đối với Việt Nam. Nhân dân ta bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược kiên cường, sáng tạo, anh dũng làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu". Ngày 07/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi vang dội, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn cháy 62 máy bay, thu và phá huỷ toàn bộ vũ khí, đạn dược và phương tiện chiến tranh của thực dân Pháp.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và chiến dịch Điện Biên Phủ, Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tập trung lãnh đạo xây dựng hậu phương vững chắc góp phần huy động đông đảo các lực lượng, tổ chức chặt chẽ giữa hậu phương với tiền tuyến, phát huy sức mạnh tổng hợp chiến tranh Nhân dân, kịp thời đáp ứng yêu cầu về nhân lực, vật lực phục vụ chiến trường Điện Biên Phủ.

Ảnh tư liệu

Bắc Giang xây dựng hậu phương vững chắc trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược nước ta lần hai

Để bảo vệ vùng tự do của tỉnh trong những năm (1946-1949): Đảng bộ tỉnh đề ra nhiệm vụ về xây dựng Đảng, chính quyền và các tổ chức quần chúng cách mạng, xây dựng kinh tế, xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ, xây dựng lực lượng vũ trang, làng chiến đấu được triển khai rộng rãi trong Nhân dân, bước đầu hình thành thế trận chiến tranh Nhân dân, chiến tranh du kích đã ngăn chặn sự mở rộng chiếm đóng của thực dân Pháp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Đồng thời Tỉnh ủy đề ra chủ trương: “Chuyển trọng tâm công tác mọi mặt xuống xã và chi bộ với khẩu hiệu: “Tất cả cho xã”, “Đi xuống tận chi bộ”, “Tất cả vì chi bộ” để thực hiện mục tiêu xây dựng linh hồn kháng chiến ở xã bằng cách làm cho chi bộ tự động công tác. Muốn củng cố và phát triển Đảng, phải đào tạo cán bộ địa phương, cán bộ miền núi, cán bộ chuyên môn và cán bộ dự bị”.

Trong xây dựng, củng cố hậu phương tại chỗ trong giai đoạn (1949-1954): Tại Đại hội lần thứ II (7/1949), Đảng bộ tỉnh đề ra chủ trương: “Củng cố bộ máy lãnh đạo từ tỉnh đến cơ sở; nhanh chóng xây dựng và phát triển Đảng…; động viên rộng rãi phong trào chiến tranh du kích…; đẩy mạnh phong trào tăng gia sản xuất lương thực, tích cực chuẩn bị mọi mặt tập trung cho sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi”. Tiếp đó, ngày 24/11/1949, Tỉnh uỷ ra chủ trương: "Tập trung lãnh đạo phát triển du kích chiến tranh đến cao độ.., biến hậu phương địch thành hậu phương của ta. Tích cực chống càn quét, bảo vệ mùa màng”. Đồng thời, Tỉnh uỷ ra chủ trương: “công tác sản xuất là nhiệm vụ trọng tâm, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp trong hoàn cảnh có chiến tranh”; “Phải bằng mọi giá đảm bảo khai thông đường vận chuyển qua đường 13B…, phát triển cơ sở, bảo vệ mùa màng; đẩy mạnh nhiệm vụ chống càn của khu du kích và ven đai vùng tự do; tiễu trừ do thám, biệt kích, chỉ điểm”; phát động phong trào toàn dân đấu tranh chống bắt lính và vận động anh em binh lính người Việt Nam trong quân đội Pháp trở về với Nhân dân.

Đối phó với âm mưu của thực dân Pháp, Tỉnh ủy chỉ đạo nhanh chóng củng cố, kiện toàn các tổ chức cơ sở đảng. Tăng cường công tác kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật đối với đảng viên thoái hoá biến chất. Thường xuyên coi trọng công tác xây dựng đảng và công tác chính trị, tư tưởng, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên. Đến cuối năm 1952 đầu năm 1953, tổng số đảng viên của Đảng bộ tỉnh đã tăng lên tới 10.453 đồng chí, trong đó có 769 đảng viên nữ. Cơ sở đảng ở vùng du kích, căn cứ du kích về cơ bản được củng cố vững chắc. Những đồng chí hoạt động trong vùng hậu địch đã thể hiện được bản chất của người đảng viên cộng sản, dũng cảm chiến đấu chống địch khủng bố, lãnh đạo Nhân dân đấu tranh chống địch bắt phu, bắt lính và tích cực vận động ngụy binh trở về với quê hương. Qua đó, chính quyền các cấp, các ngành và đoàn thể quần chúng đều được củng cố. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh, hệ thống tổ chức chính quyền, các đoàn thể quần chúng ở cả vùng tự do và vùng địch tạm chiếm ngày càng vững mạnh, góp phần quan trọng củng cố hậu phương kháng chiến.

Đảng bộ tỉnh vận động Nhân dân thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm; khôi phục cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh khai hoang, phục hóa trong nông nghiệp. Năm 1950, quỹ tín dụng của tỉnh đã cho dân vay 4.181.000 đồng để mua sắm nông cụ và sức kéo. Nhân dân các huyện trong tỉnh tổ chức tuần lễ toàn dân canh tác vào đầu tháng 02/1952 để vận động đợt trồng màu, cấy thêm lúa chiêm và mở chiến dịch tăng gia sản xuất từ ngày 01 đến ngày 30/3/1952. Riêng huyện Yên Thế đã điều động 300 con trâu bò từ thượng huyện cung cấp cho các xã cuối huyện và các huyện khác, cho dân vay 1.300 kg thóc giống. Ngoài nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, các đơn vị bộ đội, du kích đều tranh thủ thời gian tăng gia sản xuất để tự túc một phần lương thực, thực phẩm.

Ra sức phát triển văn hóa, giáo dục, y tế. Ngành giáo dục động viên toàn dân làm công tác giáo dục. Đến đầu năm 1950, toàn tỉnh có 90% số người trong độ tuổi đi học đã biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, huyện Việt Yên được công nhận xóa xong nạn mù chữ. Hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao với nội dung phục vụ kháng chiến, kiến quốc ngày càng phát triển mạnh trong các đoàn thể quần chúng. Nhân dân thực hiện nếp sống văn hoá mới, phong trào sáng tác thơ ca, hò vè và tự tổ chức biểu diễn kịch nói, múa hát phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh. Hằng năm, cán bộ y tế về các xóm vận động Nhân dân thực hiện 3 sạch (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) và 3 diệt (diệt ruồi, diệt muỗi và diệt chấy rận), đồng thời phát động phong trào vệ sinh phòng bệnh ở cơ sở. Từ năm 1951 - 1954, công tác y tế có bước phát triển mới với mạng lưới ngày một mở rộng, nhiều cơ sở khám chữa bệnh được xây dựng thêm.

Thực hiện hiệu quả công tác dân vận, địch vận: Đảng bộ, chính quyền các cấp, các đoàn thể quần chúng ở nhiều nơi tổ chức mở đợt tuyên truyền, vận động Nhân dân đấu tranh bằng các biện pháp thích hợp như cam kết, giao ước không cho người thân đi lính cho giặc. Hình thức đấu tranh quyết liệt hơn là tổ chức nhiều đoàn, kéo đến trụ sở chính quyền, đồn bốt của đối phương, ngăn xe ô tô chở binh lính, đòi chồng, con, anh em trở về với gia đình (như ở Thọ Xương, Tân Mỹ). Nhiều hình thức đấu tranh binh vận được thực hiện như rải truyền đơn, dán áp phích, vây bốt kết hợp với gọi loa khuyên địch ra hàng. Cán bộ cơ sở vận động binh lính địch tổ chức đấu tranh chống đi càn, đi tiếp viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, công tác binh vận đã vận động được 3.792 lính ngụy đảo ngũ, 796 lính Âu Phi đòi hồi hương.

Phát động phong trào du kích tiêu diệt sinh lực địch ở hậu phương. Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, phong trào và lực lượng du kích có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả với nhiều trận đánh lực lượng du kích của tỉnh đã tiêu diệt nhiều sinh lực địch, tiêu biểu như: Du kích các xã Nội Hoàng, Đại Đồng, Tân Dân (Yên Dũng) đánh trả địch quyết liệt (9/1949), riêng du kích Đại Đồng với số lượng ít, chênh lệch nhưng đã tiêu diệt hàng trăm tên địch qua những lần chống địch càn quét. Trung đội du kích xã Trường Sơn (Lục Ngạn) phục kích trong rừng rậm bắn chết và làm bị thương nhiều sĩ quan và binh lính Pháp, buộc chúng phải lùi quân (3/1950). Du kích các xã Việt Tiến, Lan Đình đánh địch càn quét cướp phá, bảo vệ cho dân cày cấy. Trải qua chiến đấu kiên cường dũng cảm, lực lượng du kích các xã: Ảm Trứ, Long Trì, Dĩnh Kế, Thái Sơn... và nhiều cán bộ, đội viên du kích đã trở thành những đơn vị và cá nhân tiêu biểu trong phong trào du kích của tỉnh.

Quân dân Bắc Giang góp phần trong chiến thắng Điện Biên Phủ

Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, chi viện cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Bắc Giang đã huy động hàng vạn cán bộ, chiến sỹ, trên 3.000 thanh niên xung phong, trên 3 triệu ngày công làm đường giao thông phục vụ tiền tuyến; đã san lấp 8.000 m3 đất đá, hoàn thành 25 km đường vòng xuyên rừng để tránh trọng điểm Đèo Cà khai thông tuyến đường Phỏng - Mỏ Trạng dài 19 km trong 7 ngày bằng dụng cụ cầm tay; tháo gỡ bom nổ chậm; sửa chữa đường, cầu, phà; hướng dẫn, bảo vệ cho 356 lần xe ô tô vận chuyển hàng và kéo pháo an toàn lên chiến dịch. Ngoài ra, tỉnh còn huy động hàng vạn lượt người, hàng ngàn phương tiện như xe đạp, xe trâu bò, ngựa thồ ngày đêm vận chuyển hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, thực phẩm cho chiến dịch.

Tại chiến trường Điện Biên Phủ, nhiều cán bộ, chiến sĩ là con em quê hương Bắc Giang trực tiếp tham gia chiến đấu với tinh thần mưu trí, dũng cảm và lập được nhiều thành tích xuất sắc. Tiêu biểu như: Đồng chí Nguyễn Văn Ty, xã Ninh Sơn, huyện Việt Yên (nay là thị xã Việt Yên) đã chỉ huy đồng đội phá hàng chục lớp rào dây thép gai, mở đường cho Trung đoàn 88 thuộc Sư đoàn Quân tiên phong tiêu diệt cứ điểm của địch ở đồi Độc Lập; đồng chí Chu Văn Mùi, xã Thượng Lan, huyện Việt Yên chiến sĩ thông tin dưới bom đạn địch vẫn đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ việc chỉ huy pháo binh bắn vào đội hình địch tại đồi A1; đồng chí Lưu Viết Thoảng, xã Cảnh Thuỵ, huyện Yên Dũng đã cùng đồng đội hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, giật nổ khối bộc phá nặng gần 1.000 kg trên đồi A1 đúng giờ qui định, mở đầu cuộc tiến công cuối cùng của quân ta vào khu trung tâm, kết thúc thắng lợi hoàn toàn trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Các đồng chí trên đã được Chủ tịch nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng đã đập tan những cố gắng quân sự cao nhất của thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ, buộc chính phủ Pháp phải ký kết Hiệp định Geneva (7/1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ ba nước Đông Dương, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954); đồng thời, chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia; đập tan một mắt xích quan trọng trong hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân cũ, mở đầu cho sự sụp đổ trên phạm vi toàn thế giới. Cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc của các nước trên thế giới.

Dương Cao

 

 

 

 

 

Total visited in day: 654
Total visited in Week: 1,096
Total visited in month: 19,242
Total visited in year: 83,152
Total visited: 109,822