Tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh

|
Lượt xem:
Chế độ ban đêm OFF
Đọc bài viết
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã tăng cường, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp kéo dài về tham nhũng gây thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng; nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có cả cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước bị khởi tố, điều tra về tội tham nhũng. Kết quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta trong thời gian qua, đặc biệt là những năm gần đây đã góp phần quan trọng vào công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng.

Văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định phải “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”; Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 khẳng định: “Đẩy mạnh đấu tranh phòng ngừa, gắn với chống tham nhũng, lãng phí...”, để thực hiện mục tiêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các kết luận chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; chỉ đạo các cơ quan tập trung thực hiện tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, chức vụ liên quan đến cán bộ, đảng viên. Từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng tộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, các cấp ủy, chính quyền đã chỉ đạo quyết liệt thực hiện các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực, nhất là trong quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, sử dụng tài chính công, chi tiêu ngân sách..; cơ quan cảnh sát điều tra đã thụ lý 61 vụ/133 bị can, đã kết thúc điều tra, đề nghị truy tố 47 vụ/109 bị cáo; tòa án đã xét xử 42 vụ/93 bị cáo liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, kinh tế, chức vụ; tổng số tài sản tham nhũng, kinh tế, chức vụ bị thất thoát, chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng; nhiều cán bộ, đảng viên bị xem xét xử lý kỷ luật liên quan đến tham nhũng, tiêu cực....

Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác Ngành Nội chính của Đảng và hoạt động của BCĐ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024

Tuy nhiên, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế nhất định, như: Việc thực hiện kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, công tác phát hiện về tham nhũng, tiêu cực thông qua công tác tự kiểm tra, rà soát trong nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chưa đồng đều, mới tập trung đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Còn có vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực tiến độ giải quyết chậm; công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ở một số vụ án, vụ việc còn hạn chế, việc giải quyết bị kéo dài; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng qua công tác thi hành án chưa cao.

Để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng tỉnh chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

Chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân; khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền, giáo dục sâu rộng các chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tạo sự tự giác, thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt của người đứng đầu, tập thể lãnh đạo các cấp, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị. Quan tâm đẩy mạnh giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân. Trước hết là phải xây dựng ý thức tự giác chấp hành, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng, thực hiện tốt quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực.

Chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Trung ương về một số nội dung công tác phòng, chống tiêu cực; đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Trong đó tập trung chỉ đạo khắc phục tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, bức xúc, dư luận xã hội quan tâm. Chỉ đạo tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tập trung kiểm tra chuyên đề đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng; công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực; công tác giám định, định giá tài sản trong giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực;... để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực, thu hồi tài sản tham nhũng. Nâng cao hiệu quả công tác tự kiểm tra, thanh tra để phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ, nơi nào để bên ngoài kiểm tra, thanh tra phát hiện tham nhũng, tiêu cực thì phải xem xét trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương đó để có hình thức xử lý phù hợp. Tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị về tham nhũng, tiêu cực của công dân, đặc biệt là những khiếu nại, tố cáo kéo dài, liên quan đến cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tiếp tục rà soát, đưa vào diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đôn đốc những vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; chú trọng chỉ đạo phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực mới. Tập trung chỉ đạo xử lý dứt điểm các vụ, việc đang thuộc diện theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo. Xử lý nghiêm minh, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với xử lý hành chính và xử lý hình sự đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đúng nguyên tắc "Tích cực, khẩn trương, rõ đến đâu xử lý đến đó, không phân biệt người có hành vi tham nhũng, tiêu cực là ai, đã có dấu hiệu tội phạm phải khởi tố điều tra và đã kết luận có tội thì phải truy tổ, xét xử". Chỉ đạo nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Tăng cường chỉ đạo xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, báo chí và Nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân các cấp; giám sát, phản biện xã hội, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội; chú trọng giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp. Phát huy tốt hơn vai trò của báo chí, truyền thông; tăng cường phối hợp, chủ động công khai, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Chú trọng thông tin, tuyên truyền về gương người tốt, việc tốt, đấu tranh, phê phán các quan điểm sai trái, hành vi tham nhũng, tiêu cực; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người làm báo dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, các cơ quan nòng cốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo phải là người thực sự gương mẫu, trong sạch, liêm - dũng - chính - trực, không bị cám dỗ bởi bất cứ lợi ích nào và cũng không ngại bất cứ lực cản không trong sáng nào, dám nói, dám làm, kiên quyết làm vì lợi ích chung. Tăng cường công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Quan tâm bảo đảm các điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh và Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh.

                                                                             Đặng Ngọc Toàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Thư viện ảnh Thư viện ảnh

Thống kê truy cập Thống kê truy cập

Tổng số trong ngày: 742
Tổng số trong tuần: 6,919
Tổng số trong tháng: 11,695
Tổng số trong năm: 75,605
Tổng số truy cập: 102,275